Cách không bị tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học
-
Tham vấn: Bác sĩ CKI. Trần Thị Thành
Mỗi lần đến ngày đèn đỏ chị em phụ nữ tâm trạng đều không thoải mái, nơm nớp lo sợ sẽ bị tràn băng lộ ra ngoài, đặc biệt với những người thường xuyên mặc áo dài hoặc khi đi học. Áo dài thường mỏng và có màu trắng nên rất dễ lộ, bên cạnh đó khi đi học mà bị phát hiện sẽ khiến bạn nữ vô cùng ngượng ngùng và xấu hổ. Tham khảo bài viết dưới đây để chị em biết được có những cách nào giúp không bị tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học nhé.
Nguyên nhân gây tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học
Lựa chọn sản phẩm băng vệ sinh không phù hợp
Việc chọn sai loại, sai kích thước băng vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ tràn băng khi mặc áo dài hay khi đi học. Trong những ngày đầu hành kinh, chọn sản phẩm quá mỏng hoặc quá nhỏ khiến băng không thể giữ đủ lượng máu kinh, dẫn đến máu kinh bị tràn ra ngoài. Do đó tùy vào lượng kinh mà dùng sản phẩm phù hợp.
Không thay băng thường xuyên
Bác sĩ chuyên Phụ khoa khuyến cáo chỉ sử dụng băng vệ sinh trong khoảng 4 giờ, có những trường hợp máu kinh ra nhiều mà không kịp thay băng sẽ dẫn đến tràn băng. Tùy vào lượng máu kinh của mình mà chị em thay băng kịp lúc.
Mặc đồ không phù hợp
Do mặc áo dài nên chị em thường mặc những chiếc quần trong có chất liệu mỏng tuy nhiên nếu không chọn loại quần phù hợp sẽ khiến băng vệ sinh không cố định chắc, dẫn đến tràn băng. Hay một số sản phẩm có chất liệu dính không tốt nên khi dính băng vệ sinh lên quần con sẽ không bám dính được. Điều này khiến cho băng bị xê dịch, không hút được đầy đủ máu kinh khiến máu bị tràn ra quần.
Cách không bị tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học
Phần lớn các bạn gái trong độ tuổi dậy thì còn đi học đều khá loay hoay không biết nên làm gì mỗi khi đến tháng mà phải áo dài. Để tránh những sự cố ngại ngùng đó, chị em có thể tham khảo những cách dưới đây:
Nên chọn loại băng vệ sinh phù hợp
Nhiều chị em thấy trên thị trường có rất nhiều loại băng vệ sinh nên không biết chọn loại nào phù hợp với bản thân. Thực tế mỗi loại băng vệ sinh sẽ có kích thước và cách dùng phù hợp với từng loại đối tượng. Ví dụ như có băng vệ sinh ban đêm sẽ dày hơn, to rộng hơn để chị em có thể thoải mái ngủ mà không sợ tràn băng, hay có loại rất mỏng và nhỏ dùng cho những ngày cuối hành kinh hoặc trong những ngày rụng trứng dịch âm đạo tiết ra nhiều,...
Trước khi mua sản phẩm băng vệ sinh, chị em chú ý đọc kỹ loại băng đó có kích thước bao nhiêu, độ dày như thế nào, có cánh hay không có cánh, độ thấm hút tốt không. Việc lựa chọn băng vệ sinh đúng cách sẽ hạn chế nguy cơ tràn băng trong khi mặc áo dài, khi đi học.
Khi mặc áo dài đi học, chị em nên chọn và sử dụng những loại sản phẩm băng vệ sinh có bề mặt lưới mỏng tránh cọ xát, thấm hút tốt và có cánh để cố định chắc. Ngoài ra băng có kích thước dài sẽ “an toàn”, tránh bị lệch và diện tích bề mặt rộng sẽ hút được nhiều máu kinh hơn. Với những trường hợp lượng máu kinh ra quá nhiều thì nên sử dụng loại băng dày hơn nhé.
Sử dụng băng vệ sinh không đúng cách không chỉ máu kinh bị tràn mà còn khiến chị em phụ nữ cảm thấy khó chịu. Cùng tham khảo cách dùng băng vệ sinh đúng tiêu chuẩn dưới đây để xem mình đã dùng đúng chưa nhé.
Bước 1: Tiến hàng mở băng vệ sinh ra, bóc lớp giấy dưới cánh với loại có cánh
Bước 2: Dính phần keo dài vào mặt trong quần con và cố định bằng hai cánh dính ở bên ngoài mặt quần con. Chú ý vị trí của băng vệ sinh ở dưới âm đạo để đảm bảo thấm hút đầy đủ máu kinh và không bị tràn ra trước hoặc sau.
Bước 3: Kiểm tra lại lần nữa xem tư thế đặt băng có vừa vặn hay không, nếu có lệch trước sau, trái phải thì cần tháo ra chỉnh lại lần nữa cho vừa khít.
Bước 4: Rửa tay và vệ sinh cô bé thật sạch sẽ trước khi mặc quần. Kiểm tra băng sau khoảng 2 tiếng và thay băng sau 4 giờ để đảm bảo vùng kín thoải mái, không có mùi hôi cũng như tránh tình trạng tràn băng.
Sử dụng cốc nguyệt san hoặc tampon (không dùng cho người chưa quan hệ)
Nếu chị em cảm thấy khó chịu khi mặc quần lót có dính băng vệ sinh và luôn sợ tràn băng thì có thể sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san.
Cách dùng tampon
Tampon hình thức cũng là một loại băng vệ sinh nhưng khách về thiết kế hình dáng có hình trụ. Với những bạn nữ đang đi học thì sử dụng tampon vẫn còn rất xa lạ, nếu mới sử dụng thì nên dùng loại có dây.
Cách đưa tampon vào âm đạo:
Trước khi sử dụng tampon cần phải vệ sinh tay và bộ phận sinh dục thật sạch sẽ để tránh vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây bệnh.
Khi đưa tampon vào âm đạo, chị em ở tư thế ngồi xổm, cơ thể thoải mái và từ từ cho tampon vào bên trong. Nếu lần đầu dùng thì chị em nên cần thêm chiếc gương cầm tay soi sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Cách tháo tampon:
Cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín và tay trước khi tháo tampon
Vẫn tư thế ngồi xổm chị em cầm lấy phần dây và kéo nhẹ nhàng tampon ra ngoài. Vứt tampon đã sử dụng vào thùng rác và không sử dụng lại, cũng như không nên ném vào bồn cầu.
Tiếp tục vệ sinh vùng kín và thực hiện cho tampon vào thay khi chưa hết chu kỳ kinh nguyệt.
Chị em nên đảm bảo thay tampon sau 3-4 tiếng để đảm bảo vệ sinh, nếu để lâu sẽ tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Không nên quan hệ tình dục khi đang sử dụng tampon bởi sẽ khiến nó thụt sâu gây ra nhiều mối nguy hiểm hơn.
Cách dùng cốc nguyệt san
Sử dụng cốc nguyệt san hay tampon đúng cách chị em sẽ không phải lo lắng tình trạng tràn băng dù mặc áo dài hay khi đi học. Cơ chế hoạt động của cốc nguyệt san khác so với băng vệ sinh và tampon. Hình dạng của cốc nguyệt san như chuông nhỏ với chất liệu cao su, nhựa mềm hoặc silicone. Với kết cấu ôm khít thành âm đạo, khi sử dụng cốc nguyệt san sẽ chứa máu kinh mà không sợ bị tràn ra ngoài. Ưu điểm của cốc nguyệt san có thể tái sử dụng nhiều lần, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
Cách đưa cốc nguyệt san vào âm đạo:
Chị em lần đầu sử dụng sẽ khá bỡ ngỡ, có cảm giác lo lắng vì thế nên thực hiện một cách cẩn thận.
Trước khi đưa cốc nguyệt san vào âm đạo cần vệ sinh vùng kín và tay sạch sẽ để tránh nguy cơ viêm nhiễm.
Bôi trơn miệng cốc bằng chất bôi trơn hoặc nước để cốc nguyệt san dễ dàng đi vào trong âm đạo mà không bị cọ xát hay gây cảm giác khó chịu.
Gấp đôi miệng cốc thành hình chữ C, chữ V hoặc số 7
Hướng phần công lên trên bên trong âm đạo và thả tay. Nhẹ nhàng xoay cốc để miệng mở ra, lấp kín âm đạo tránh bị rò rỉ hoặc tràn kinh.
Cách lấy cốc nguyệt san ra khỏi âm đạo:
Sau 6-8 tiếng đeo cốc nguyệt san thì chị em nên thay cốc tránh để cốc đầy, tránh viêm nhiễm và hạn chế vi khuẩn sinh sôi.
Trước khi rút cốc, chị em rửa tay sạch sẽ, ngồi xổm tìm tư thế thoải mái dang rộng hai chân.
Dùng ngón trỏ và ngón cái để tìm cuống cốc nguyệt san và từ từ kéo ra ngoài. Động tác cẩn thận tránh để máu kinh bắn ra ngoài và xung quanh.
Đổ phần máu kinh vào bồn cầu, vệ sinh sạch sẽ cốc nguyệt san để sử dụng cho lần tiếp theo.
Chị em khi sử dụng cốc nguyệt san cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sẽ chọn loại có kích thước phù hợp. Mặc dù cốc nguyệt san và tampon là hai sản phẩm giúp chống tràn kinh tốt, rất linh hoạt khi hoạt động nhiều dưới nước nhưng với những bạn gái còn đang trong tuổi đi học thì cần xem xét kỹ. Bởi nếu không sử dụng cách sẽ gây tổn thương vùng kín, viêm nhiễm phụ khoa.
Dùng quần nguyệt san
Cách không bị tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học mà chị em có thể tham khảo đó là sử dụng quần nguyệt san. Đây là cách vẫn còn khá mới mẻ bởi có nhiều nơi vẫn chưa bán phổ biến sản phẩm này. Thiết kế của quần nguyệt san tương tự với quần lót thông thường nhưng bên trong sẽ thiết kế thêm một vài lớp thấm hút máu kinh giúp chống tràn kinh hiệu quả.
Cụ thể với 4 lớp thấm hút đó là:
Lớp tán ẩm, hút ẩm và tạo độ thoáng khí
Lớp thấm hút với khả năng thấm hút tương đương 3-5 băng vệ sinh
Lớp chống tràn, chống nhỏ giọt
Lớp vải cố định lại các lớp bên trong và mang lại độ bền, sự thoải mái
Quần nguyệt san chị em có thể tái sử dụng nhiều tiết kiệm chi phí. Nếu mua sản phẩm chính hãng chị em sẽ không phải lo lắng khi sử dụng, bởi quần được làm từ công nghệ kháng khuẩn, dịu nhẹ cho da và không hóa chất. Khả năng khử mùi, chống viêm nhiễm nên chị em có thể sử dụng liên tục trong 10 tiếng. Với loại quần lót này chị em có thể giặt bằng tay hoặc bằng máy đề được. Tuy nhiên nếu giặt máy nên cho vào túi lưới, không sử dụng nước xả vải cũng như không dùng nước nóng giặt quần.
Những lưu ý để tránh tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học
Ngoài việc lo lắng băng bị tràn thì chị em khi mặc áo dài, khi đi học cũng cần chú ý đến những điều sau để những ngày hành kinh trôi qua thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
Mang theo băng vệ sinh dự phòng
Để tránh máu kinh tràn khỏi băng và dính vào quần khi đi học thì chị em nên mang theo băng dự phòng khi cần thiết. Nếu chị em thấy lượng máu kinh ra nhiều nên thì nên đến phòng vệ sinh kiểm tra và thay băng tránh để kinh nguyệt tràn ra ngoài. Điều này sẽ giúp chị em yên tâm về tâm lý, ứng phó kịp thời với trường hợp “ ngại ngùng”.
Mang theo quần áo dự phòng
Nếu không may kinh nguyệt tràn ra ngoài dính lên áo dài thì chị em nên chuẩn bị trước quần lót và áo dài dự phòng. Đây là cách tốt giúp chị em chữa cháy nhanh chóng trong tình huống bất ngờ xảy ra.
Mang theo nước ấm
Trong những ngày hành kinh cơ thể của nữ giới thường bị chướng bụng, đầy hơi, đau bụng dưới, uống nước ấm sẽ giúp xoa dịu cơn đau và giảm các cảm giác khó chịu này. Ngoài nước ấm chị em cũng có thể thay thế bằng nước ép rau củ như cần tây, cam, cà rốt mang đi học nhé.
Vận động nhẹ nhàng
Việc tập thể dục điều độ rất tốt cho sức khỏe nữ giới, tuy vậy vào những hành kinh chị em tốt nhất không nên vận động nhiều. Bởi vì các triệu chứng đau bụng, đau lưng sẽ càng khó chịu hơn, khiến cơ thể mệt mỏi.
Các bạn nữ khi mặc áo dài hay khi đi học cần nhớ rằng nếu vận động mạnh sẽ khiến băng vệ sinh không được cố định, dễ xê dịch khiến kinh nguyệt bị tràn ra ngoài. Chị em có thể vận động nhẹ nhàng giúp giảm tình trạng chuột rút thay vì ngồi yên cả ngày vì “bà dì ghé thăm”.
Ăn uống đầy đủ chất
Bên cạnh việc lo lắng làm cách nào để không bị tràn băng khi mặc áo dài hay khi đi học thì chị em cũng cần chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ chất. Có như vậy cơ thể mới có sức cho một ngày dài đi học và khiến tâm trạng tốt hơn. Cần tránh những sản phẩm khiến cơ thể khó chịu tồi tệ hơn như: thực phẩm quá ngọt hoặc mặn, đồ ăn chiên dầu mỡ, thực phẩm chứa chất kích thích,...
Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ
Trong những ngày đèn đỏ việc vệ sinh bộ phận sinh dục và thay băng đúng thời gian là điều cần thiết, đặc biệt vào những ngày đầu hành kinh. Giữ vùng kín luôn sạch sẽ là cách giúp chị em thoải mái tâm trạng cũng như hạn chế các mối nguy hiểm gây viêm nhiễm âm đạo.
Đồng thời chị em cần thay đồ lót thường xuyên tránh có mùi hôi, nên chọn những sản phẩm thấm hút tốt, lưu thông khí tốt.
Hy vọng với một số cách không bị tràn băng khi mặc áo dài, khi đi học trên đây giúp chị em phụ nữ cảm thấy thoải mái, tự tin sử dụng băng vệ sinh mà không lo sợ điều gì. Tình huống tràn băng ra quần là vấn đề nhiều chị em từng gặp phải nhưng nếu biết cách xử lý hoàn toàn có thể tránh được tình trạng này. Hãy chú ý chọn loại băng vệ sinh phù hợp với mục đích sử dụng, thay băng đúng thời gian, vệ sinh sạch sẽ vùng kín và dùng băng vệ sinh đúng cách. Trong trường hợp không may tràn băng có thể tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, giáo viên nữ hoặc từ sự chuẩn bị trước của bản thân.
-
Cập nhật: 31-08-2024
-
Lượt xem: 1003